Ở xưởng dệt thảm có chị Thu bị phạt một ngày công do trong tháng có hai lần đi làm muộn (mỗi lần 15 phút). Chị em trong tổ rất hiểu, chị Thu là người làm việc nghiêm túc, hai lần đi muộn, là do tắc đường. Cả tổ làm đơn đề nghị giám đốc không phạt chị Thu vì lý do khách quan. Chị Hào, Tổ trưởng công đoàn đã lên gặp Chủ tịch công đoàn cơ sở đưa đơn và đề xuất công đoàn bảo vệ cho đoàn viên của mình, nhưng việc này không có kết quả.
Trong đợt trợ cấp khó khăn, Tổ công đoàn xưởng dệt thảm đề xuất hai trường hợp công nhân rất khó khăn, nhưng chỉ được xem xét một trường hợp. Trong khi đó có cô thư ký giám đốc, nhà khá giả lại được hưởng trợ cấp. Chị Hào lên hỏi Chủ tịch công đoàn thì được giải thích rằng: do có thư của giám đốc nên phải chấp nhận trợ cấp cho thư ký của giám đốc.
Cuối tháng, công nhân chậm được nhận lương, chỉ có các phòng gián tiếp được nhận lương trước. Chị em công nhân hỏi thì Chủ tịch công đoàn nói rằng: Công nhân đông hơn thì chờ nhận sau, bộ phận gián tiếp ít thì lĩnh trước là hợp lý. Công nhân hiểu rằng mọi đề nghị của mình không còn có ai bảo vệ. Sáng hôm sau tất cả công nhân đến ngồi ở cửa xưởng, không làm việc. Giám đốc đề nghị Chủ tịch công đoàn giải thích, vận động công nhân đi làm việc nhưng tất cả công nhân đều yên lặng. Chị em nói với nhau rằng: khi nào có cấp trên về công nhân có thể nói rõ lý do cho cấp có thẩm quyền nghe thì sẽ đi làm. Chị em buộc phải tỏ thái độ, dù biết là có sai, nhưng vì cảm thấy mình không còn chỗ dựa để bảo vệ lợi ích của mình.