Bà Nguyễn Thị Hinh vốn giỏi văn thơ, lấy ông Huyện Thanh Quan, nên người ta gọi là bà Huyện Thanh Quan. Bà là người sâu sắc và hóm hỉnh.
Có giai thoại về bà như sau:
Một lần, ông Huyện đi vắng, có người tên là Nguyễn Thị Đào đưa đơn xin được ly dị chồng, đọc xong bà phê vào đơn:
“Phó cho con Nguyễn Thị Đào,
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai.
Chỉ rằng: Xuân bất tái lai,
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già”.
Với lời phê đó, Nguyễn Thị Đào đã được đi lấy chồng. Khi biết, ông Huyện không hài lòng, quở trách bà, nhưng vẫn phải công nhận cách xử ấy là có tình, hiểu và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ.
Một lần khác, ông Huyện lại đi vắng, có ông Cống mới đỗ đạt, viết đơn xin mổ trâu, khao trả nợ miệng. Nể ông Cử tân khoa, nhưng đang mùa cày cấy, theo luật lệ không được phép mổ trâu nên bà Huyện đã phê vào đơn với một chút chê trách, nhắc nhở:
"Người ta thì chẳng được đâu
Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm".
Ông Cống được chấp thuận, vừa mừng, vừa chua chát, nhận lời phê ra về.
Khi ngoài 60 tuổi, bà Huyện trở về làng Nghi Tàm (Hà Nội) sống với dân làng để hòa mình vào cuộc sống giản dị, chất phác, ấm tình nghĩa. Lúc này là thời vua Tự Đức, dân làng Nghi Tàm đang phiền lòng vì lệ nộp sâm cầm cho các quan lại và cho nhà vua. Bà đã giúp dân thảo đơn gửi lên triều đình đòi bỏ lệ cống nộp phi lý và bất công này. Quan huyện Hoài Long (khi đó Nghi Tàm thuộc huyện Hoài Long) muốn tìm cho ra ai xúi dân gửi đơn để trị tận gốc. Lý trưởng mời bà ra gặp quan huyện Hoài Long, bà khảng khái nói với ông quan huyện:
- Ngài về trình lại các quan, ta là vợ ông Huyện Thanh Quan xưa, từng giữ chức trong triều Minh Mệnh, Thiệu Trị đã thảo cho dân lá đơn ấy. Khi ra xa khỏi triều đình, về nơi dân ta mới hiểu mọi lẽ, ta phải giúp dân đen làm việc ấy.
Trích: Nghiệp vụ công tác của cán bộ dân vận (NXB Chính trị Quốc gia - 2014)